Sư phạm bậc 1
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

HANH XỬ BẠO LỰC Ở GIỚI TRẺ

Go down

HANH XỬ BẠO LỰC Ở GIỚI TRẺ Empty HANH XỬ BẠO LỰC Ở GIỚI TRẺ

Bài gửi  phandinhdung Mon May 19, 2008 4:35 pm

Hành xử bạo lực ở giới trẻ - một góc nhìn
Qua thông tin đại chúng, chúng ta không khỏi sửng sốt khi thấy ở nhiều địa phương, giới trẻ hiện nay đã hành xử một cách bạo lực và dẫn đến nhiều hậu quả khá nghiêm trọng. Học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông đã không ngại dùng những hung khí để giải quyết những mâu thuẫn với nhau mà những mâu thuẫn bắt nguồn từ những lý do rất nhỏ nhặt. Học sinh dùng dao đâm bạn trọng thương, thậm chí có trường hợp đến tử vong. Nhiều học sinh lại kết bè cánh đánh nhau, tổ chức đi cướp giật. Những nhóm trẻ địa phương tập họp theo kiểu băng nhóm giang hồ, sẵn sàng dùng bạo lực với người khác dù người đó có gây hấn hoặc không, miễn chúng cảm thấy không thích, muốn làm một cái gì đó khác người, phô trương thanh thế. Không chỉ thế, có những băng nhóm trẻ tập họp ăn chơi, đua đòi và dẫn đến những hành động cướp phá, đánh trả lại cả những người đang thi hành công vụ. Có trường hợp trẻ dùng hung khí, bạo lực đánh lại người lớn, bậc cha mẹ trong gia đình, bất chấp đạo lý.
Tất nhiên có nhiều lý do, tác động và ảnh hưởng mà trong từng trường hợp cụ thể dẫn đến những hành động bạo lực của đối tượng là giới trẻ. Từ trong gia đình đến xã hội, từ những trẻ còn đi học cho đến trẻ không được đến trường gây dư luận bất bình. Dầu có viện cớ lý do nào chăng nữa, xã hội không thể chấp nhận được giới trẻ hành xử một cách bạo lực để đưa đến những hậu quả khôn lường. Đó là một thực trạng đáng báo động cho xã hội.
Thế nhưng, nguyên do từ đâu mà giới trẻ lại thường hay sử dụng bạo lực như thế. Chắc chắn, những cá nhân, tổ chức, các ngành quản lý xã hội…sẽ có nhiều cách tiếp cận để nghiên cứu, tìm ra những giải pháp thiết thực. Ở một góc nhìn, tôi nêu lên những ý kiến cá nhân đã có những tác động đến lối hành xử bạo lực này như sau:
Từ môi trường dạy dỗ bạo lực trong gia đình
Một chuyên gia tâm lý phân tích rằng, có nhiều đứa trẻ được giáo dục thích hành xử trong môi trường bạo lực từ những năm tháng còn thơ ấu mà người lớn thường ít khi nhận ra. Đó là cách nuông chiều, dỗ dành trẻ khóc chúng vấp, va phải những vật dụng. Nhiều khi là lỗi ở trẻ không chú ý hay vô tình và người lớn thường lấy tay, cây đánh vào các vật đó cho trẻ cảm thấy đã nư và nín khóc. Thế là hình thành trong trẻ “khái niệm” những gì mà làm chúng khóc đều phải được hành xử có tính chất “bạo lực” như thế, và quyền lợi luôn được bảo vệ luôn đứng phía chúng. Vì vậy, từ chỗ đồ vật đến con vật, con người, nhiều trẻ được người lớn mặc nhiên chấp nhận hành xử như thế để dỗ dành chúng khi có hữu sự mà bất chấp lỗi từ đâu. Cho nên, mới có trường hợp những đứa anh, người chị và thậm chí người lớn trong nhà phải chịu nhiều cái “đánh giả” nhưng cách thức hành động phải giống như thật nếu làm trẻ khóc. Khi có khách đến, trẻ chạy va vào khách, ngã khóc thì trẻ lại bảo cha, mẹ, người giữ đánh vào người khách thì trẻ mới nín. Khái niệm dùng bạo lực của trẻ được hình thành và củng cố từ đối tượng này sang đối tượng khác. Đó là cách dạy dỗ tai hại nhưng rất phổ biến.
Một khía cạnh khác, nhiều trẻ em không chịu ăn uống nên các bậc cha mẹ phải tìm đủ thứ cách để dỗ dành, làm cho chúng vui để ăn uống cho nhanh. Có trường hợp bà mẹ từ dùng những đồ chơi như con thú, búp bê đến các con vật thật ( con cào cào, thằn lằn…) bỏ vào bao đựng để mỗi khi cho trẻ ăn thì lấy roi quất vào. Những con vật nhỏ thì nhảy tung lên khi bị đánh thế là làm cho chúng vui thích và ăn nhanh. Được thể, những trẻ đó không chỉ đòi người lớn đánh mà chúng tập cầm roi đánh những con vật lớn hơn mà người lớn hay dùng đến là chó, mèo. Mỗi khi những con vật này bị buộc lại, bị đánh vào gào kêu lên thì trẻ thích chí. Từ mục đích tốt cho con cái ăn uống nhưng vô tình, người lớn đã tích lũy trong cách nhìn của trẻ sử dụng bạo lực; tai hại hơn là khi ăn uống.
Nhiều bậc cha mẹ sử dụng bạo lực với con trẻ khi chúng làm phật ý. Người lớn thẳng thừng dùng “roi, vọt” sửa phạt ngay bất chấp lỗi đó lớn hay nhỏ, cố ý hay vô tình hay không phải lỗi từ chúng hoặc không cho chúng có cơ hội để giải bày, minh oan. Nhiều lần như thế tạo nên một hệ quá tiêu cực trong nếp nghĩ của trẻ nhỏ là sẵn sàng hành xử bạo lực đối với những ai, những gì làm phật ý chúng.
Những trường hợp nêu trên chỉ là một trong những phần nhỏ của mà người lớn đã vô tình tạo nên môi trường dạy dỗ, hình thánh lối hành xử bạo lực cho trẻ em.
Đến cách dạy dỗ bạo lực trong trường họcĐiều đáng quan tâm là nhiều nơi giữ trẻ (kể cả nhà nước hay tư nhân) còn có lối hành xử bạo lực trong cách dạy dỗ trẻ em. Những hành xử bạo lực từ chưa gây ra hậu quả hay dẫn đến hậu quả đều có những tác động hình thành nên những tâm lý bất ổn đến giới trẻ. Mà hệ quả tiêu cực là hình thành nên cách nghĩ, cách ứng xử bạo lực cho trẻ khi có những phản kháng trong một số trường hợp.
Nhiều người mẹ sững sờ khi nhìn thấy những đứa con của mình sau thời gian gởi nhà trẻ lại thích đánh búp bê. Chúng chơi trò cho búp bê ăn cháo, uống sữa với cây roi lăm le, dứ dứ vào mặt với vẻ mặt có khi đanh lại, mắt nheo hay nhìn một cách giận dữ. Qua tìm hiểu, người mẹ mới phát hiện đó là cách cô giáo cho bọn trẻ mỗi khi ăn uống. Đứa bé nào không chịu há miệng, hay ngậm, không chịu nuốt lập tức cô giữ trẻ la quát, thậm chí quất roi ngay cảnh cáo. Cách hành xử bạo lực của cô giáo nhanh chóng được trẻ tiếp nhận và diễn lại một cách thuần thục. Chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà trẻ tạo nên những áp lực đối với người chăm sóc trực tiếp. Số lượng trẻ đông, người giữ trẻ chưa qua đào tạo hay một lý do nào đó…Nhưng, dù có lý do nào đi chăng nữa thì sử dụng những hình thức bạo lực trong nuôi dạy trẻ là điều không thể chấp nhận.
Một số trẻ em trở về nhà sau khi ở nhà trẻ bị phát đã có những phản ứng bất thường, cáu gắt và tâm lý không ổn định. Đôi lúc, có nhiều trường hợp, chúng có cách xử sự bạo lực với những người chung quanh. Qua tìm hiểu cho thấy, những trẻ em bị phạt tại lớp như nhốt vào một cái phòng tối, quỳ trước lớp, không cho tham gia các hoạt động khác cùng các bạn… khi vi phạm nội quy, mà những điều vi phạm đó ở lứa tuổi của trẻ là hết sức bình thường (làm rơi vở đồ vật, chọc bạn, để đồ sai vị trí…). Cách hành xử của cô giáo tạo nên những xúc cảm tiêu cực và hình thành nên những phản kháng tiêu cực mà tai hại nhất là những hình thức trẻ hành xử bạo lực để tự vệ.
Một số trường hợp ở trường cấp tiểu học, thầy cô giáo sử dụng bạo lực với học trò: đánh học sinh gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ thế, có người lại dùng học sinh lớp trên hoặc trong lớp “thi hành kỷ luật” cách bạo lực đối với học sinh nào vi phạm nội quy. Cùng bạn bè của lớp, cùng học sinh của nhà trường thế nhưng, chúng thẳng tay “tát mạnh, đánh mạnh” đối với nhau khi được thầy cô giáo “cho phép, giao nhiệm vụ” thực thi. Thật tai hại làm sao từ cách dạy dỗ học sinh như thế này, dẫn đến sự đánh mất tình cảm trong độ tuổi, bạn bè và chúng ngấm ngầm, sẵn sàng dùng bạo lực lại để trả thù ở những nơi nào khi có cơ hội.
Ảnh hưởng từ các phương tiện thông tin có tính bạo lực:
Sách cho thiếu nhi ngày nay thật nhiều, đa dạng. Giới trẻ có nhiều chọn lựa cho mình tiếp cận những loại sách yêu thích. Đặc biệt là truyện tranh. Thế nhưng, đã xuất hiện trên thị trường sách nhiều quyển sách có tính chất phản giáo dục, mô tả những hình ảnh bạo lực một cách chi tiết. Lời thoại trong sách thường ngắn ngủi, có tính chất diễn đạt rõ những hành động bạo lực. Việc hành xử của các nhân vật trong truyện đầy tính bạo lực với những cú đánh, cú đấm, liên hoàn cước… với nhiều lời thoại, hình ảnh minh hoạ được mô tả sự hả hê khi đối phương bị nạn, bị đau đớn, gánh chịu những tổn thất nặng nề.
Các trò chơi trên máy tính thì cũng đa dạng không kém. Rất nhiều trò chơi mang tính giải trí nhưng bên cạnh đó nhiều trò chơi đậm màu sắc bạo lực. Trẻ em lên mạng, vi tính “gia nhập, hoá thân” những con người, đội quân được cử đi truy tìm mục tiêu, thám hiểm mà ở đó nhân vật có thể sử dụng nhiều loại vũ khí và chúng thẳng tay bắn hạ, giết chết những vật cản ngăn đường. Những hình ảnh tên cướp bị bắn trúng tay hay chân hoặc ngực với máu me, đau đơn lại làm cho trẻ thích thú khi đánh, bắn trúng mục tiêu. Trò chơi Thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh thì trẻ được nhập vai của Tôn Ngộ Không, Sa Tăng, Trư Bát Giới dùng binh khí thẳng tay tiêu diệt yêu quái mà không ít những cảnh trò chơi nhuốm màu đau thương, tang tóc…Nội dung các trò chơi thì tốt nhưng một khi trẻ em “hoá thân” cầm vũ khí giết người thì bị tác dụng ngược lại. Nhiều trò chơi không chỉ người lớn còn đam mê mà trẻ em tham gia lại thấy thích thú khi có chiến tích là tiêu diệt nhiều người, hạ sát đối thủ nhanh chóng, được phong thăng chức tước, cấp bậc, thưởng cho vũ khí, người đẹp …để hành tẩu giang hồ…đã ảnh hưởng đến tiêu cực sự nhận thức, hình thành nhân cách trẻ em.
Về một số mẫu quảng cáo mới lướt qua tưởng chừng như vô hại nhưng lại có tác động không tốt. Sự lặp đi lặp lại của chúng trên truyền hình hằng ngày với các slogan rất kêu kiểu bạo lực “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”, những hình ảnh đề cao tính chất hành xử bạo lực, chiến thắng bằng mọi giá, bất chấp hiểm nguy một cách bất hợp lý, bất chấp tất cả, không tôn trọng luật pháp, không kể lợi ích của những người chung quanh, chỉ để đạt được đến một điều nhỏ nhặt…quả là vô cùng tai hại.
*
Không ít thì nhiều, từ những môi trường và cách thức dạy dỗ trên, đã tạo nên những yếu tố, cơ sở tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự hình thành nhân cách của giới trẻ. Và hệ quả là chúng sẵn sàng hành xử, giải quyết bằng bạo lực trong cuộc sống hằng ngày. Chúng tôi chỉ nêu lên những yếu tố này và mong rằng, các nhà nghiên cứu, giáo dục, quản lý cần có những bước đi thích hợp, cùng góp phần đưa ra những giải pháp thiết thực để hạn chế những hậu quả từ sự hành xử bạo lực của giới trẻ trong xã hội.

Phan Đình Dũng
(Bài được trích đăng trên Báo Giáo dục & Thời đại ngày 15/5/2008. Số 59)
phandinhdung
phandinhdung
Admin

Tổng số bài gửi : 40
Join date : 12/03/2008

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết