Sư phạm bậc 1
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

MƯỢN NÓN TỎ TÌNH

2 posters

Go down

MƯỢN NÓN TỎ TÌNH Empty MƯỢN NÓN TỎ TÌNH

Bài gửi  phandinhdung Thu Mar 13, 2008 2:16 pm

Trong vốn ca dao của người Việt, những hình ảnh sự vật, hiện tượng được dùng khá nhiều để người trong cuộc “nói lên điều mình muốn nói”. Đặc biệt, trong tình cảm nam nữ, các chàng trai, cô gái dùng nhiều hình ảnh để ướm duyên hay tỏ tình một cách dễ thương, thậm chí táo bạo nhưng rất khéo léo. Trong một số bài ca dao, hình ảnh chiếc nón được chàng trai hay cô gái mượn cớ để tỏ tình. Phải nói rằng “nón – có nhiều loại nón” nhưng ở đây những người trong cuộc không bàn đến loại nón nào, đẹp hay xấu hoặc nếu có nói đến như thế thì cũng chỉ là cái cớ để “thử dò tình ý” chủ nhân của nó mà thôi.
Hai trường hợp sau đây cho thấy cô gái mượn nón của chàng trai và ngỏ lời:
Cái nón của chàng đẹp lắm chàng ơi
Chàng cho thiếp mượn che trời nắng mưa
Nón chàng thiếp đội cũng vừa
Cái nón cũng đẹp, cái tua cũng giòn.
Không biết chàng trai đội chiếc nón như thế nào, nhưng lời khen “đẹp lắm, cũng đẹp, cũng giòn” của cô gái chắc chắn làm chàng trai chắc chắn “mát lòng, mát dạ”. Ai mà chả thế. Có người nào nghe khen mà không sướng, mà lời khen lại xuất hiện từ một cô gái nữa chứ.
Thế nhưng, cũng từ đây, chàng trai đã bị gài vào thế, bị cuộc tấn công tâm lý thật ngọt ngào diễn ra chóng vánh với một lời đường mật: ”chàng cho thiếp mượn” bởi vì cái nón của chàng không chỉ đẹp mà là “thiếp đội cũng vừa”, để “che trời nắng mưa”. Trước tình huống thế này, mới từ trạng thái tinh thần sướng rơn người chưa tan vì lời khen của cô gái như thế lẽ nào chàng trai lại khư khư giữ nón dẫu mình cũng có nhu cầu để che vì trời có lúc nắng, lúc mưa. Thôi, thế là thôi, quyền sở hữu về chiếc nón đã đổi chủ. Trong trường hợp này, nếu ở vào thế của chàng trai thì chắc chắn mọi “thằng đàn ông đáng mặt đàn ông” trên thế gian này cũng không thể không cho cô gái mượn nón được ngoại trừ nếu chàng có tính “đến chết vẫn còn keo kiệt”.
Trong hoàn cảnh “trời nắng chang chang”, “gió trúc mưa mai” chàng trai có nón đội trong khi cô gái thì không, lại lâm vào cái cảnh “nhà em xa lắm có gần đâu ai” thì chàng trai sẽ hành động như thế nào khi cô gái ướm mở lời mượn:”không mượn chàng nón mượn ai bây giờ”. Cái từ mượn nghe thật có lý làm sao và cũng hàm ẩn một cái lời dễ làm đối tượng dễ “nghĩ gần rối lại nghĩ xa” bởi “không mượn chàng” thì “mượn ai”. Đối tượng mà cô gái ngỏ lời mượn ấy đâu còn là “cái nón” nữa.
Hôm nay trời nắng chang chang
Ở đây xa nước, xa làng, xa dân
Chàng cho em mượn cái nón làm ăn
Nhà em xa lắm có gần đâu ai
Trời làm gió trúc mưa mai
Không mượn chàng nón mượn ai bây giờ?
Nón này đâu phải tình cờ
Đã cất đến nón lại sờ đến quai
Nón này đã phải hơi ai
Mà vuốt chẳng sạch mà mài chẳng ra
Nón này của mẹ của cha
Hay là của khách đường xa chàng cầm?
Hay là của khách tri âm
Chàng cho em mượn em cầm che tạm nắng mưa
Mất một em sẽ đền ba
Nhược bằng mất cả đền ta cho mình.
Những lời tự nói của cô gái tiếp theo sau lời mượn cho thấy chàng trai đã đưa chiếc nón cho cô gái. Bởi cô gái thốt lên những lời cố ý để làm hé lộ “đâu phải tình cờ” và thể hiện những cử chỉ thân thiện với chiếc nón của chàng trai (lúc bấy giờ đang được cô gái giữ trên tay): ”cất, sờ, vuốt, mài” với câu hỏi tưởng như đâu đâu mà lại ngầm chỉ đến chủ của chiếc nón. Nhưng táo bạo và đáng yêu hơn khi cô gái “ngỏ lời” giao kèo. Lẽ thường, người cho mượn mới ra điều kiện nhưng đằng này thì ngược lại. Lời giao kèo chắc nịch, như đinh đóng cột của cô gái: “mất sẽ đền, mất một đền ba hoặc còn thế mạng” nữa chứ. Và cái đền ở đây mới ý tứ, mới chính thức lộ rõ cái cớ mượn nón. Đây có thể xem là một trong những lời tỏ tình độc đáo trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.
Chắc chắn, trước “khế ước” này, chàng trai cũng không đến nỗi mà không nhận ra tấm chân tình của cô gái. Cái chuyện cho mượn nón thế mà hay và cái chuyện mất nón chắc hẳn người cho mượn muốn người mượn làm mất thật. Mất đi để người cho mượn được người mượn “đền mạng” chính là cô gái mới tuyệt làm sao chứ. Mượn nón – vô tư, và đã cho mượn rồi. Nếu làm mất nón – cũng vô tư tiếp – và cầu mong điều đó xảy ra nhanh nhanh. Nói thì nói thế thôi, đến lúc này thì chuyện mượn, chuyện mất cái nón không còn là vấn đề nữa – chuyện nhỏ thôi mà. Cái chuyện lớn hơn là chuyện “…ta cho mình” kia chứ. Ngọt ngào êm dịu làm sao với cách xưng hô được chuyển đổi của cô gái dành cho chàng trai từ “chàng và em” khi mượn nón đã thành “ta và mình” khi nón đã đổi chủ. Mà thực ra nếu như cô gái chấp nhận “đền ta cho mình” thì nón có đổi chủ đâu. Lý thú của cái cớ mượn nón này cũng nằm ở đây: người mượn trở thành đồng sở hữu chủ hợp pháp của món đồ mượn. Và, đặc biệt, chắc chắn thế, người cho mượn lại vui lòng chấp thuận điều đó. Họa chăng, chàng trai mà không chấp nhận chắc chắn sẽ không tránh khỏi lời gièm thế gian là “đại không khôn”. Thế thì cách mượn nón tỏ tình thật hay chứ lị: tưởng tình cờ mà chẳng tình cờ.
Trong trường hợp này thì chàng trai mượn nón của cô gái. Chàng trai mượn hay vờ mượn nón cũng chỉ là cái cớ mà thôi. Nhưng chắc chắn rằng, chàng có chủ ý với chủ nhân của chiếc nón.
Nón này em sắm ở đâu
Dọc ngang mấy thước, móc khâu mấy lần?
Em mà đáp được như trần,
Thì anh trả nón đưa chân anh về
Và cô gái cũng không phải là không chủ ý để thốt lên những lời “ngọt ngào” trước cái cảnh chàng trai “vô tình hay hữu ý” cầm chiếc nón của mình.
Nón này em sắm chợ Giần
Dọc ngang thước rưỡi móc khâu năm đường
Nón này chính ở làng Chuông
Làng Già lợp nón, Khương Thường bán khuôn
Hà Nội thì kết quai tua
Có hai con bướm đậu vừa xung quanh
Tứ bề nghiêng nón chạy quanh
Ở giữa con bướm là hình ông trăng
Nón này em sắm đáng trăm
Ai trông cái nón ba tầm cũng ưa
Nón này che nắng che mưa
Nón này để đội cho vừa đôi ta
Nón này khâu những móc già
Em đi thuở nón đã ba năm chầy
Anh có muốn cho em chung mẹ chung thầy
Thì anh đưa cái nón này em xin!
Bài ca dao sau đây thì đề cập cái nón thật đẹp bởi nón được làm từ các làng nổi tiếng như Làng Chuông . Và, trên chiếc nón còn có những hình ảnh, hoa văn trang trí thật đẹp với: ”có hai con bướm”, có “hình ông trăng” dễ gợi liên tưởng hình ảnh “cặp đôi, tơ nguyệt”. Nhưng khen cái nón đẹp, đáng giá dù “ai nhìn cũng ưa” cũng chỉ là cái cớ để mà “che vừa đôi ta” mà thôi.
Thực ra, chàng trai khi mượn nón cô gái cũng đã “ngỏ lời” rồi: ”Thì anh trả nón đưa chân anh về”. Còn cô gái cũng “tương kế, tựu kế” nói vòng vo về cái nón cũng chỉ là cái cớ để mà “anh có muốn cho em chung mẹ chung thầy” hay không? Đáng khen cho cô gái với cái cách trả lời mà đặt câu hỏi lại thật tài tình làm sao.
Trong một số bài ca dao, ta thấy việc “chung mẹ chung thầy” thật lý thú làm sao? Thử đọc những dòng ca dao sau đây, chàng trai nào, cô gái nào mà không thích được “chung mẹ chung thầy” với người mình thương bởi vì khi có điều kiện này thì tất yếu sẽ được nhiều thứ khác nữa: (hãy đổi cái quạt ra cái nón)
Ước gì chung mẹ chung thầy
Để em giữ cái quạt này làm thân
Rồi ta chung gối chung chăn
Chung quần, chung áo chung khăn đội đầu
Nằm thời chung cái giường tàu
Dậy thời chung cả hộp trầu ống vôi
Ăn cơm chung cả một nồi
Gội đầu chung cả dầu hồi nước hoa
Chải đầu chung cái lượt ngà
Soi gương chung cả bông hoa gắn đầu…

Chàng trai hay cô gái mượn nón, trong những trường hợp trên cho chúng ta thấy sự tài tình của những người trong cuộc yêu đương. Họ ướm lời ngỏ ý cho tình duyên thật đẹp, thật táo bạo nhưng cũng thật dịu dàng, tinh tế và sâu sắc. Một nét đẹp của ngày xửa, ngày xưa.

Phan Đình Dũng
Bài viết đăng trên báo của Phan Đình Dũng năm 2007
phandinhdung
phandinhdung
Admin

Tổng số bài gửi : 40
Join date : 12/03/2008

Về Đầu Trang Go down

MƯỢN NÓN TỎ TÌNH Empty Re: MƯỢN NÓN TỎ TÌNH

Bài gửi  vanson Thu Mar 13, 2008 10:55 pm

Mình đọc bài của thầy Dũng mà cứ nghĩ đến nón bảo hiểm không biết đang đi đường mà lỡ có cô nào hỏi mượn, lúc đó không biết mình có cho hông ? Sad Mad Rolling Eyes
vanson
vanson
Admin

Tổng số bài gửi : 72
Join date : 28/02/2008
Age : 63
Đến từ : Trường TH văn hóa & nghệ thuật Đồng Nai

https://suphambac1.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

MƯỢN NÓN TỎ TÌNH Empty KHÓ XỬ THẬT

Bài gửi  phandinhdung Sun Mar 16, 2008 5:08 pm

Chào Thầy Sơn!
Qủa thật tôi cũng chưa lường hết được cái cảnh Thầy vừa nêu. Bài viết thì nói về cái nón truyền thống. Thời đại bây giờ thì dùng nón bảo hiểm. Ui cha, sao mà khó quá.
Nếu cho mượn thì mình phải chuẩn bị sẵn "money" trong túi thôi. Cho nàng mượn đội thì minh ko đội thì sẵn sàng nộp phạt. Còn nếu cho nàg đội, mình đội mà "tình tiền cước xe" thì chắc minh hành nghề xe ôm thôi. Vì như thế, sắm thêm nón mà hành nghề.
Nhưng Dũng nghĩ như thế này: Cho nàg đội cũng được...nhưng cuối cùng nàng có cho mình được "mấy thứ chung kia không" mới là quan trọng phải không thầy?
Như thế, nếu bị phát, nếu như thế nào chăng nữa, Dũng cho mượn nón liền Laughing
PDD
phandinhdung
phandinhdung
Admin

Tổng số bài gửi : 40
Join date : 12/03/2008

Về Đầu Trang Go down

MƯỢN NÓN TỎ TÌNH Empty Re: MƯỢN NÓN TỎ TÌNH

Bài gửi  vanson Sun Mar 16, 2008 6:25 pm

Khakhakha...khakhakha... Laughing Laughing Laughing
vanson
vanson
Admin

Tổng số bài gửi : 72
Join date : 28/02/2008
Age : 63
Đến từ : Trường TH văn hóa & nghệ thuật Đồng Nai

https://suphambac1.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

MƯỢN NÓN TỎ TÌNH Empty Re: MƯỢN NÓN TỎ TÌNH

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết